Trong thời đại mà các cuộc tấn công Ransomware xuất hiện ngày càng phổ biến, dữ liệu là vô cùng quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển của các doanh nghiệp nhỏ và lớn. Các doanh nghiệp cần hiểu rõ về tầm quan trọng của việc sao lưu dữ liệu (backup) để tránh những thiệt hại về mặt tiền bạc cũng như uy tín của công ty.

Backup dữ liệu là gì?

Backup dữ liệu là quá trình thực hiện sao lưu các thông tin, tệp tin, hoặc dữ liệu quan trọng từ một hệ thống máy tính hoặc thiết bị lưu trữ, và lưu trữ chúng tại một vị trí phụ trợ hoặc nhiều vị trí khác nhau.

Khái niệm dữ liệu bao gồm: thông tin khách hàng, hợp đồng, các thiết kế – bản vẽ hoặc các dữ liệu liên quan đến hệ thống như Mail Server, database, CRM,…

Mục đích chính của việc backup dữ liệu là tạo ra các bản sao lưu dữ liệu, đảm bảo rằng nếu dữ liệu gốc gặp sự cố như mất mát do hỏng hóc, lỗi người dùng, tấn công virus, hoặc thiên tai, thì vẫn có thể khôi phục lại thông tin từ các bản sao lưu đó.

Quá trình backup dữ liệu thường bao gồm việc chọn lựa các phương tiện lưu trữ phù hợp như ổ cứng ngoài, đám mây, băng ghi, hoặc các dịch vụ lưu trữ trực tuyến. Dữ liệu thường được sao lưu định kỳ theo lịch trình được thiết lập trước đó, và có thể bao gồm toàn bộ hệ thống, các tệp tin cụ thể, hoặc các phần quan trọng nhất của dữ liệu.

Backup dữ liệu là một phần quan trọng của chiến lược bảo vệ dữ liệu, giúp đảm bảo tính toàn vẹn và sẵn sàng sử dụng của thông tin quan trọng, đồng thời giảm thiểu rủi ro mất mát dữ liệu và ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động kinh doanh và cá nhân.

Tuy nhiên, việc có nhiều bản sao dữ liệu không phải lúc nào cũng được đảm bảo an toàn tuyệt đối. Nếu cả hai đều được lưu trữ trên cùng một máy chủ, một sự cố duy nhất cũng có thể xóa cả hai. Vì vậy quy tắc backup 3-2-1 ra đời như một một phần quan trọng của kế hoạch bảo vệ dữ liệu, được áp dụng rộng rãi trên toàn cầu để đảm bảo tính an toàn của dữ liệu trong trường hợp xảy ra sự cố bảo mật hoặc thiên tai.

Các con số 3-2-1 đại diện cho các tiêu chí:

  • 3 bản sao lưu: Nguyên tắc cơ bản của chiến lược, bạn cần tạo ít nhất ba bản sao lưu của dữ liệu quan trọng, bao gồm dữ liệu sản xuất chính và hai bản sao dự phòng. Giữ 3 bản sao dữ liệu là mức tối thiểu cần thiết để đảm bảo rằng bạn có thể khôi phục trong bất kỳ trường hợp lỗi nào.
  • 2 phương tiện lưu trữ khác nhau: Ít nhất 2 bản sao dữ liệu của doanh nghiệp phải tồn tại trên các thiết bị lưu trữ độc lập về mặt vật lý với nhau, bao gồm bộ nhớ trong, bộ nhớ ngoài, băng từ hoặc lưu trữ đám mây
  • 1 bản sao lưu ngoại vi: Nếu tất cả dữ liệu của bạn được lưu trữ ở cùng một vị trí, thiên tai hoặc một sự cố nào đó có thể dẫn đến mất hoàn toàn dữ liệu dù bạn có bao nhiêu bản sao. Để bảo vệ khỏi những trường hợp này, một bản sao dữ liệu của bạn nên được lưu trữ riêng biệt tại một thành phố, quốc gia thậm chí là lục địa khác.

Cách thực hiện đúng chiến lược sao lưu 3-2-1

Nguyên tắc sao lưu 3-2-1 chỉ hiệu quả khi được thực hiện đúng cách, nghĩa là:

  • Sao lưu thường xuyên: Việc sao lưu dữ liệu cần được thực hiện thường xuyên để đảm bảo rằng các bản sao lưu luôn được cập nhật và chứa những thông tin mới nhất. Các lịch trình sao lưu định kỳ và tự động giúp đảm bảo rằng dữ liệu mới nhất luôn được sao lưu và sẵn sàng phục hồi khi cần thiết.
  • Đồng nhất các bản sao lưu: Đảm bảo tất cả các bản sao lưu đều giống nhau nhất có thể. Sự đồng nhất này giúp đảm bảo tính nhất quán và sẵn sàng của dữ liệu khi cần khôi phục.
  • Lưu trữ an toàn và kiểm soát truy cập:
    • Các bản sao được lưu trữ ở vị trí an toàn, bảo vệ khỏi nguy cơ mất mát hoặc hỏng hóc. Điều này có thể bao gồm lưu trữ off-site hoặc trong các hệ thống lưu trữ được bảo vệ chặt chẽ.Các bản sao chứa dữ liệu nhạy cảm nên được mã hóa.
    • Cần thiết lập các biện pháp kiểm soát truy cập chặt chẽ để ngăn chặn truy cập trái phép vào dữ liệu sao lưu. Điều này bảo vệ dữ liệu khỏi các mối đe dọa bảo mật và đảm bảo tính bảo mật của dữ liệu.
  • Mã hoá dữ liệu nhạy cảm: Các bản sao lưu chứa dữ liệu nhạy cảm nên được mã hóa để bảo vệ khỏi truy cập trái phép. Việc này đảm bảo rằng người không được ủy quyền không thể đọc được dữ liệu ngay cả khi có thể truy cập được vào bản sao lưu.
  • Kế hoạch khôi phục đã được thử nghiệm: Trước khi xảy ra sự cố, cần thiết lập và thử nghiệm kế hoạch khôi phục từ các bản sao lưu. Điều này giúp đảm bảo tính hiệu quả và sẵn sàng của quy trình khôi phục dữ liệu khi cần thiết, giảm thiểu thời gian và rủi ro trong quá trình khôi phục.

Backup có phải cách tốt nhất để phòng ngừa tấn công?

Câu trả lời là KHÔNG.

Backup là hành động nhằm phục vụ công việc khôi phục dữ liệu sau khi bị tấn công (Diaster Recovery), chứ không phải một biện pháp phòng chống tấn công. Dù bạn có bao nhiêu bản sao lưu, áp dụng nguyên tắc chặt chẽ thế nào, backup cũng không có tác dụng trong nâng cao bảo mật cho hệ thống của bạn bởi những lý do sau đây:

  • Không ngăn chặn được các cuộc tấn công: Backup dữ liệu chỉ giúp khôi phục dữ liệu sau khi sự cố xảy ra, nhưng không thể ngăn chặn tấn công mạng hoặc mất mát dữ liệu ban đầu. Đó chỉ là một biện pháp phục hồi, chứ không phải là biện pháp ngăn chặn.
  • Thời gian phục hồi: Dù backup dữ liệu giúp khôi phục thông tin sau khi xảy ra sự cố, quá trình này thường mất thời gian và công sức. Trong khi dữ liệu không khả dụng, hoạt động kinh doanh có thể bị gián đoạn và gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp.
  • Khả năng mất mát dữ liệu mới nhất: Backup dữ liệu thường được thực hiện định kỳ, và có thể mất mất một khoảng thời gian đến khi bản sao lưu mới nhất được tạo ra. Trong trường hợp sự cố xảy ra giữa các lần sao lưu, dữ liệu mới nhất có thể bị mất đi hoặc không còn khả dụng.
  • Rủi ro an ninh: Dữ liệu backup cũng phải được bảo vệ an toàn. Nếu không được bảo vệ đúng cách, dữ liệu sao lưu có thể trở thành mục tiêu của các cuộc tấn công mạng, và dẫn đến việc lộ thông tin hoặc bị mã hóa bởi ransomware.

Thay vào đó, điều bạn cần làm để có thể ngăn chặn từ tận gốc các cuộc tấn công mạng là:

  • Siết chặt quyền hạn của người sử dụng máy tính không ở chế độ quản trị hệ thống (Administrator), thiết lập các cấu hình nhằm bảo vệ file với quyền không cho phép xóa, sửa các file quan trọng một cách tự động. Bằng cách này, người quản trị có thể kiểm soát và giám sát các hoạt động trên hệ thống, giảm thiểu nguy cơ bị tấn công từ các lỗ hổng bảo mật do sử dụng quyền hạn cao cũng như đảm bảo tính toàn vẹn và an toàn của dữ liệu.
  • Cần chú ý cảnh giác với các tệp tin đính kèm, các đường dẫn độc hại được gửi đến qua email hoặc tin nhắn, vì đây thường là các phương tiện phổ biến mà các hacker sử dụng để tiêm malware vào hệ thống. Hạn chế tối đa việc truy cập vào các đường dẫn này.
  • Sử dụng các tính năng bảo vệ thời gian thực của những phần mềm diệt mã độc và virus như Windows Defender, Kapersky,… cũng là một biện pháp quan trọng để phát hiện và ngăn chặn các mối đe dọa mạng mới và tiềm ẩn. Điều này giúp bảo vệ hệ thống khỏi các cuộc tấn công từ các phần mềm độc hại và giảm thiểu rủi ro an ninh mạng.
Chia sẻ bài viết này