World Cup 2014 đã kết thúc, SophosLabs cho rằng đây là thời điểm tốt để công bố bảng xếp hạng mới nhất (SophosLabs Spampionship) 12 nước phát hành nhiều thư rác nhất trong quý 2/2014. Trong bảng xếp hạng, Sophos có số liệu so sánh với quý 3, quý 4 năm 2013 và quý 1/2014, thứ tự 12 nước như sau: Quý 2/2014, Mỹ vẫn là nước dẫn đầu thế giới về phát hành thư rác, chiếm 24,2% tổng lượng thư rác phát hành trong quý, đồng thời là nước dẫn đầu 4 quý liền. Pháp là nước có sự đột biến phát hành thư rác chiếm 6,7%, từ vị trí thứ 8 trong quý 1, đã tăng 6 bậc chiếm vị trí thứ 2. Trung Quốc ở vị trí thứ 3 sau khi tăng 2 bậc (thứ 5 trong quý 1) đã phát hành 6,2% tổng lượng thư rác. Trung Quốc đã chiếm vị trí của Nga (5,1%) sau khi Nga tụt 2 bậc, ở vị trí thứ 5. Chiếm vị trí thư 4 là Italia (5,2%) không thay đổi vị trí so với quý trước. Đức ở vị trí thứ 6 với lượng thư rác phát hành chiếm 3,6%. Cùng tăng 3 bậc là Hàn Quốc (3,2%) ở vị trí thứ 7 và Ukraine (3,0%) ở vị trí thứ 8. Các nước giảm phát hành thư rác nhiều là Tây Ban Nha (2,8%) tụt 7 bậc, ở vị trí thứ 9; Nhật Bản (2,5%) tụt 4 bậc, ở vị trí thứ 11. Giảm 5 bậc so với quý 3/2013 và 3 bậc so với quý 1/2014 nhưng Ác-hen-ti-na (2,4%) vẫn nằm trong tốp 12 nước phát hành nhiều thư rác trong những tháng World Cup 2014, ở vị trí cuối cùng.

Sophos là nhà phát triển và nhà cung cấp phần mềm bảo mật và phần cứng của máy tính , cung cấp thiết bị đầu cuối thông tin liên lạc, mã hóa, an ninh mạng…Công ty này có trụ sở tại Abingdon (Anh) và Burlington, Massachusetts (Mỹ). Công ty có các công ty con, trong đó có Trung tâm phân tích mối đe dọa – SophosLabs (Nguồn Wikipedia).

Việt Nam từ vị trí cuối bảng trong quý 4/2013, hiện đang đứng ở vị trí số 10, chiếm 2,7% lượng thư rác phát hành trong quý 2/2014. Các chuyên gia của Sophos cho rằng, nguyên nhân tăng lượng thư rác không chỉ do sự chủ ý của giới tội phạm mạng ở từng quốc gia mà có thể còn do mạng máy tính bị nhiễm phần mềm độc hại. Do đó, người dùng cần hết sức cẩn thận khi kết nối mạng Internet. Những kẻ lừa đảo có thể yêu cầu máy tính của người dùng thực hiện một số thao tác, qua đó làm gia tăng thư rác, cụ thể như sau: Đăng nhập tổ hợp phím để ăn cắp tên người dùng và mật khẩu trực tuyến; Tìm kiếm các tập tin lưu trữ dữ liệu quan trọng để ăn cắp thông tin; Lừa người dùng click chuột vào trang quảng cáo để thu tiền cho mỗi nhấp chuột; Gửi bài “khuyến nghị” cho bạn bè trên các mạng xã hội; Tải về phần mềm độc hại, ví dụ ransomware khóa các dữ liệu của người dùng và yêu cầu trả một khoản phí cho mở khóa….

Nguồn Sophos

Chia sẻ bài viết này