
“Quyền riêng tư là một trong những quyền cơ bản của con người và mọi việc chúng tôi làm đều xoay quanh việc bảo vệ nó. Đó là lý do tại sao với iOS 14, chúng tôi sẽ cho bạn quyền kiểm soát nhiều hơn đối với những dữ liệu mà bạn chia sẻ và sẽ công khai minh bạch hơn cách mà chúng tôi sử dụng nó” – Apple, WWDC 2020.
Thời điểm khó khăn sẽ tạo nên những cải tiến đột phá.
Có lẽ sau khi đọc đến đây, vài người sẽ nghĩ ngay đến Covid 19 đại dịch khiến cả thế giới “lao đao” trong suốt những tháng qua. Nhưng không ở bài viết này chúng ta sẽ nói đến quyền riêng tư – một vấn đề quan trọng được Apple chú trọng nói đến xuyên suốt sự kiện WWDC 2020 được tổ chức gần đây.
Sự phát triển của khoa học công nghệ đã kéo theo nhu cầu kết nối và chia sẻ một lượng lớn thông tin đến cộng đồng, và vì thế nó làm nảy sinh ra một vấn đề lớn hơn. Đó là làm thế nào để quyền riêng tư của người dùng hay còn được ví như “mỏ dầu mới” của thế giới được bảo vệ một cách tốt nhất.
Trong sự kiện WWDC 2020 diễn vào thứ Hai, Apple – công ty công nghệ giá trị nhất thế giới – đã cho công bố hàng loạt phiên bản mới của hệ điều hành iOS 14 cho iPhone, iPadOS 14 cho iPad, watchOS 7 cho Apple Watch và macOS Big Sur cho MacBook với nhiều tính năng và cải tiến đột phá.
Đặc biệt là công ty cũng đã nhấn mạnh một số tính năng bảo mật mới được tích hợp trên hệ thống Big 14 iOS và macOS Big Sur nhằm bảo vệ người dùng và giúp họ có thể:
- kiểm soát tốt hơn quyền truy cập dữ liệu của những ứng dụng được cài đặt trên thiết bị,
- xác định các ứng dụng hoạt động thiếu minh bạch, không tôn trọng quyền riêng tư và lén lút chia sẻ dữ liệu của người dùng.
- phát hiện các ứng dụng độc hại bí mật theo dõi thông tin dữ liệu và hoạt động của người dùng.
“Quyền riêng tư là một trong những quyền cơ bản của con người và mọi việc chúng tôi làm đều xoay quanh việc bảo vệ nó. Đó là lý do tại sao với iOS 14, chúng tôi sẽ cho bạn quyền kiểm soát nhiều hơn đối với những dữ liệu mà bạn chia sẻ và sẽ công khai minh bạch hơn cách mà chúng tôi sử dụng nó”, công ty này tuyên bố.
Các tính năng bảo mật và bảo vệ quyền riêng tư mới trong macOS và iOS
Dưới đây chúng tôi đã tóm tắt một số tính năng bảo mật quan trọng mà mọi người dùng đều nên biết:
1.) Không phải mọi ứng dụng đều có thể định vị chính xác vị trí của bạn
IPhone đã cho ra mắt tính năng cho phép người dùng chặn các ứng dụng theo dõi vị trí tự động. Nhưng giờ đây phiên bản iOS mới nhất này còn có thể cho phép người dùng bật tính năng truy cập vị trí nhưng chỉ chia sẻ vị trí gần đúng của họ với các ứng dụng đang sử dụng thay vì cho phép chúng định vị chính xác tọa độ địa lý của họ.
2.) Cảnh báo nếu Microphone hay Camera đang tự động ghi hình
Từ giờ trở đi, người dùng iPhone sẽ thấy một chỉ báo màu vàng trên thanh trạng thái (status bar) bất cứ khi nào microphone hoặc máy ảnh của họ của đang ghi âm/ghi hình.
Khi truy cập Trung tâm kiểm soát (Control Center), người dùng còn có thể kiểm tra được ứng dụng nào đã sử dụng mic hoặc máy ảnh trên thiết bị của họ gần đây.
3.) Nâng cấp tài khoản ứng dụng lên “Sign-in with Apple”
Từ giờ, các nhà phát triển có thể đề xuất tùy chọn nâng cấp tài khoản ứng dụng hiện tại lên Sign-in with Apple, để giúp người dùng cải thiện tính năng bảo vệ quyền riêng tư và dễ dàng sử dụng hơn mà không cần phải thiết lập tài khoản mới.
4.) Hạn chế quyền truy cập thư viện ảnh đối với những ứng dụng bị giới hạn
Với iOS 14, người dùng không cần chia sẻ toàn bộ thư viện ảnh của mình với các ứng dụng mà họ có thể giới hạn chỉ chia sẻ một vài bức ảnh.
Người dùng có thể lựa chọn chỉ chia sẻ một số ảnh với ứng dụng yêu cầu quyền truy cập vào thư viện của họ. Hoặc với ứng dụng mà cấp quyền truy cập là điều cần thiết để sử dụng một số chức năng riêng biệt.
5.) Trình duyệt Safari thêm tính năng Báo cáo bảo mật và Giám sát mật khẩu
Apple đã thêm hai tính năng bảo mật mới trên trình duyệt Safari cho hệ điều hành iOS và macOS. Một trong số đó sẽ gửi thông báo đến người dùng nếu họ đang sử dụng một mật khẩu đã bị xâm phạm trên bất cứ tài khoản trực tuyến nào.
“Safari sẽ tự động theo dõi mọi mật khẩu đã lưu có nguy cơ liên quan đến các hoạt động rò rỉ dữ liệu. Sử dụng các kỹ thuật mã hóa nâng cao, trình duyệt này sẽ định kỳ kiểm tra nguồn gốc mật khẩu của bạn theo một danh sách các thông tin đăng nhập bị xâm phạm. Nếu một lỗ hổng bảo mật được phát hiện, nó sẽ tự động giúp bạn nâng cấp mật khẩu hiện tại của mình. Tất cả điều này sẽ được thực hiện mà không hề tiết lộ thông tin mật khẩu của bạn cho bất kỳ ai – kể cả Apple,”công ty này cho biết.
Trong khi đó, tính năng thứ hai của Safari sử dụng Intelligent Tracking Prevention (Ngăn chặn theo dõi thông minh) giúp phát hiện và ngăn chặn kẻ tấn công thu thập thông tin hồ sơ người dùng và theo dõi họ trên các website.
Bên cạnh đó, hệ thống cũng sẽ tự động gửi một Báo cáo bảo mật (Privacy Report) hàng tuần để thông báo chi tiết cho người dùng về cách thức Safari bảo vệ hoạt động của họ trên tất cả các website đã truy cập.
6.) Theo dõi ứng dụng chéo: Kiểm soát và minh bạch
Để minh bạch hóa việc theo dõi và đảm bảo nó được thực hiện dưới sự kiểm soát của người dùng, Apple hiện yêu cầu các nhà phát triển ứng dụng phải có sự đồng ý của người dùng trước khi theo dõi họ trên các ứng dụng và trang web của bên thứ ba.
Điều này có nghĩa là bây giờ người dùng có thể chọn ứng dụng nào sẽ có quyền theo dõi họ.
Ngoài ra, người dùng còn có thể kiểm tra xem ứng dụng nào đã được cấp quyền theo dõi ở phần cài đặt, và được phép thay đổi tùy chọn của mình một cách tùy ý.
7.) Thông tin bảo mật trên App Store
Công ty công nghệ này hiện cũng yêu cầu các nhà phát triển phải cho hiển thị một bản tóm tắt các chính sách bảo mật của họ trên App Store để giúp người dùng có thể xem xét trước khi quyết định tải ứng dụng xuống.
Những nhà phát triển này được yêu cầu phải tự báo cáo thông tin ứng dụng của mình một cách đơn giản, dễ đọc đối với mọi người dùng. Chẳng hạn như, dữ liệu trong app được thu thập bởi nhà phát triển và sẽ được sử dụng để theo dõi bạn trên những nền tảng nào, v.v.
8.) Tạm biệt, Intel! Apple chuyển sang sử dụng vi xử lý ARM cho máy Mac
Bên cạnh việc công bố các tính năng và cải tiến mới cho hệ điều hành iOS và macOS, Apple cũng đưa ra một thông báo mang tính lịch sử tại WWDC 2020 – công ty đang chính thức chuyển sang sử dụng vi xử lý Apple Silicon tự thiết kế thay vì vi xử lý Intel như trước đó.
Sau khi xuất xưởng thành công hơn 2 tỷ con chip cho các thiết bị iPhone và iPad trong suốt hơn một thập kỷ qua, Apple luôn mong chờ cho ra mắt vi xử lý Apple Silicon do chính công ty này thiết kế cho dòng máy Mac. Được biết vi xử lý này sẽ giúp tối đa hóa hiệu suất của thiết bị đồng thời giúp tiết kiệm năng lượng một cách tối ưu.
“Với các tính năng mạnh mẽ và hiệu suất hoạt động dẫn đầu ngành, Apple Silicon sẽ giúp Mac mạnh hơn và sẽ khai thác tốt hơn các khả năng của nó. Tôi chưa bao giờ hào hứng hơn về tương lai của dòng máy này,” Tim Cook CEO của Apple cho biết.
Công ty này đã lên kế hoạch xuất xưởng chiếc Mac đầu tiên áp dụng công nghệ Apple Silicon vào cuối năm nay và dự định sẽ hoàn thành quá trình chuyển đổi trong khoảng hai năm.
Để giúp các nhà phát triển làm quen với Apple Silicon, “gã khổng lồ công nghệ” này cũng đang cho triển khai các chương trình Universal App Quick Start Program. Chương trình này sẽ cung cấp các tài liệu, cho ra mắt các forum hỗ trợ, đồng thời nó cũng sẽ cung cấp phiên bản beta của macOS Big Sur và Xcode 12, quyền sử dụng giới hạn Bộ chuyển đổi nhà phát triển (DTK – Developer Transition Kit), và một hệ thống phát triển Mac dựa trên Hệ thống vi mạch Bionic A12Z của Apple (SoC) cho các nhà phát triển.
Theo The Hacker News
Nguồn: https://thehackernews.com/2020/06/ios14-macos-big-sur-privacy.html